Bối cảnh Chiến_tranh_nhân_dân_giải_phóng_Nam_Tư

Vương quốc Nam Tư trước chiến tranh

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, trên cơ sở Hòa ước Versailles về phân chia lại các vùng lãnh thổ do Đế quốc Áo-Hung chiếm giữ trước đó, tháng 12 năm 1918, Vương quốc Nam Tư được thành lập bao gồm các vùng lãnh thổ, Serbia, Bosnia và Hersegovina, Macedonia, Montenegro cùng một phần lớn lãnh thổ của CroatiaSlovenia. Đứng đầu vương quốc là Nhiếp chính vương Aleksandr I của Nam Tư và Thượng hội đồng Quốc gia có chức năng như quốc hội lập hiến. Ngày 28 tháng 6 năm 1921, Hội đồng nhà nước ban hành Hiến pháp của Nam Tư (còn gọi là Hiến pháp Vidovdan). Tuy nhiên, từ năm 1921 đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai trong nội bộ Vương quốc Nam Tư thường xảy ra mâu thuẫn nội bộ do tranh chấp đất dai giữa các vùng lãnh thổ. Tất cả các chủ thể của Vương quốc Nam Tư đều có trang chấp lãnh địa với các chủ thể còn lại.[8][9][10]

Đức Quốc xã và đồng minh của Đức chiếm đóng Nam Tư

Đức Quốc xã và các đồng minh của Đức chia nhau lãnh thổ của Nam Tư

Ngày 23 tháng 3 năm 1941, Thủ tướng Nam Tư Dragisa Cvetkovic và Bộ trưởng ngoại giao Aleksandr Chinchar-Markovic với sự chỉ đạo của Hoàng tử Pavel Karadjordjevic đã ký kết văn bản tham gia Hiệp ước Thép, đưa Nam Tư chính thức đứng trong hàng ngũ các thế lực phát xít. Việc Nam Tư tham gia "Hiệp ước Thép" đã gây sự phẫn nộ trong dân chúng Nam Tư. Người Serbia cho rằng đó là "Hiệp ước của những con chuột cống lớn". Họ xuống đường biểu tình và gây ra các cuộc bạo loạn. Ngày 27 tháng 3, một nhóm bộ trưởng có tư tưởng thân Liên Xô được sự ủng hộ của Thế tử Pyotr Karadjordjevic đệ nhị đã tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ Hoàng tử Pavel Karadjordjevic và chính phủ của Dragisa Cvetkovic, ký kết một hiệp ước đồng minh với Liên Xô.[11] Tức giận trước sự việc Nam Tư dám chống lại mình, Adolf Hitler ra Chỉ thị số 25, lệnh cho quân đội Đức Quốc xã phải chiếm đóng Nam Tư trước tháng 6 năm 1941. Ngày 6 tháng 4 năm 1941, quân đội Đức Quốc xã có quân đội Ý, Hungary và Bulgaria trợ giúp đã xâm lược Nam Tư.[12] Quân đội Nam Tư mặc dù có đến 30 sư đoàn và hơn 20 lữ đoàn, trung đoàn độc lập nhưng với trang bị kém và bị chia rẽ trong nội bộ nên đã không thể chống cự được lâu dài. Ngày 12 tháng 4, Beograd thất thủ. Ngày 17 tháng 4 năm 1941, Bộ chỉ huy quân đội Nam Tư ký biên bản đầu hàng vô điều kiện. Thái tử Pyotr Karadjordjevic đệ nhị cùng triều đình Nam Tư chạy trốn qua Hy Lạp, sau đó bỏ trốn sang Cairo (Ai Cập).[13]

Trong lúc Nam Tư đang bị xâm lược thì ngày 10 tháng 4 năm 1944, những người Croatia do Ante PavelićSlavko Kvaternik cầm đầu đã tuyên bố li khai, thành lập nhà nước Croatia thân Đức. Đích thân Ante Pavelić đã đến Berghof gặp Hitler để ký vào "Hiệp ước thép", đưa Croatia đứng về phía nước Đức Quốc xã.[14] Ngày 11 tháng 4, quân đội Đức Quốc xã đã đưa chính phủ bù nhìn của Ante Pavelić và Slavko Kvaternik về Zagreb. Tại Beograd, nước Đức Quốc xã cũng lập ra một chính phủ bù nhìn do Milan Nedić lãnh đạo. Chính phủ này buộc phải ký kết nhiều hiệp ước bất bình đẳng với nước Đức Quốc xã và các đồng minh của nó. Lãnh thổ Nam Tư bị xâu xé. Phát xít Ý chiếm đóng vùng nam Slovenia và thiết lập chế độ bảo hộ trên toàn bộ xứ Montenegro, Đức Quốc xã tước đi của Nam Tư vùng bắc Slovenia, bao gồm cả Ljubliana. Hungary sáp nhập tỉnh Vojvodina vào lãnh thổ của mình. România chiếm đóng vùng Banat. Bulgari chiếm đóng phần Đông lãnh thổ Macedonia, vùng Đông Nam Serbia và tỉnh Kosovo. Albania cũng được chia phần phía tây xứ Macedonia. Chính phủ bù nhìn của Milan Nedić chỉ còn cai quản phần lãnh thổ còn lại của Serbia xung quanh Beograd và hoàn toàn phụ thuộc vào người Đức giồng như chính phủ của Ante Pavelić ở Zagreb.[13][15][16]

Chuẩn bị chiến tranh du kích

Josep Broz Tito, Tông tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Nam Tư. (Ảnh chụp năm 1942 tại Bihac)

Ngay từ năm 1938, Đảng Cộng sản Nam Tư đã cảnh báo chính quyền của nhà vua Pavel đệ nhất về nguy cơ xâm lược của nước Đức Quốc xã sau khi nước này thôn tính Áo và Tiệp Khắc. Nguy cơ đó ngày một rõ rệt hơn khi nước Đức xâm lược Ba Lan năm 1939 và đánh bại nước Pháp trong một cuộc chiến với cả hai đồng minh Pháp và Anh. Cuối năm 1940, trước nguy cơ xâm lược của nước Đức Quốc xã đã cận kề, một Ủy ban quân sự trực thuộc Ban chấp hàng trung ương Đảng Cộng sản Nam Tư (KPJ) đã được thành lập với chuẩn bị lực lượng kháng chiến và thiết lập mối liên lạc với các sĩ quan có tư tưởng chống phát xít trong quân đội Nam Tư cũng như các chính trị gia trong Hoàng tộc và chính phủ Nam Tư. Đảng Cộng sản Nam Tư phản đối mạnh mẽ hành động đứng về phe phát xít của chính phủ Dragisa Cvetkovic, đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Nam Tư tổ chức các cuộc biểu tình chống phát xít và tham gia vào cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Dragisa Cvetkovic. Ngay sau cuộc đảo chính, KPJ đã tìm mọi cách để cùng với chính phủ mới tổ chức phòng thủ đất nước, giải phóng các tù chính trị và yêu cầu Bộ Quốc phòng Nam Tư trang bị vũ khí cho công nhân và thanh niên để sẵn sàng đối phó với cuộc xâm lược sẽ xảy ra.[17][18]

Bản đồ vùng đóng quân của Đức Quốc xã và lực lượng vũ trang các nước thân Đức chiếm đóng Nam Tư trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Sau khi Beograd thất thủ, trước tình thế khó có thể đảo ngược, ngày 15 tháng 4 năm 1941, tại Zagreb, Bộ Chính trị KPJ đã họp hội nghị bí mật quyết định tổ chức chiến tranh du kích chống lại quân Đức Quốc xã và các đồng minh của nó đang xâm lược Nam Tư. Hội nghị đã bầu Tổng bí thư Đảng Josip Broz Tito làm Chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng. Hội nghị đã quyết định về việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa chống quân chiếm đóng Đức, Ý. Tuyên cáo ra ngày 1 tháng 5 năm 1941 của Uỷ ban quân sự cách mạng nên rõ: Các tổ chức Đảng Cộng sản sẽ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù của nhân dân Nam Tư cũng như những thế lực phản bội theo đuôi phát xít. Việc tổ chức khởi nghĩa sẽ tập hợp một cách rộng rãi nhất tất cả mọi tầng lớp dân chúng, không kể sự khác biệt về chính trị, tôn giáo, dân tộc chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là giải phóng đất nước. Giữa tháng 5, Josip Broz Tito và một số thành viên Bộ Chính trị KPJ đã chuyển từ Zagreb về hoạt động tại Beograd, nơi được chọn làm trung tâm của cuộc khởi nghĩa. Từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 6 năm 1941, Ủy ban quân sự cách mạng đã thành lập các chi đội du kích vũ trang, các phân đội hoạt động tình báo và phá hoại ngầm. Các tổ chức vũ trang bí mật của Nam Tư đã đẩy mạnh tích trữ vũ khí, đạn dược, phương tiện, vật tư y tế, đóng quân tại những vị trí có tầm khống chế mạnh và dễ dàng cơ động. Rút kinh nghiệm sự thất bại của nước Cộng hòa Tây Ban Nha và sự thất bại của nước Pháp năm 1940, công tác phản gián được Ủy ban Quân sự cách mạng coi trọng kể cả từ phía các nước đang xâm lược Nam Tư cũng như từ phía các chính phủ bù nhìn thân Đức ở Serbia và Croatia.[19]

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, quân đội Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô. Bộ Chính trị KPJ đã họp khẩn cấp và ra lời kêu gọi gửi nhân dân Nam Tư, hô hào họ đứng lên chống lại quân xâm lược. Ngày 27 tháng 6, Bộ Chính trị KPJ quyết định thành lập Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư, Josip Broz Tito được cử làm Tổng tư lệnh. Ngày 4 tháng 7 năm 1941. tại nhà riêng của Vladislav Ribnikar, một trong các Ủy viên Bộ chính trị KPJ tại Beograd, Hội nghị về Tổng khởi nghĩa tại Nam Tư đã được các thành viên hội nghị gồm Josip Broz Tito, Aleksandr Rankovic, Milovan Djilas, Svetozar Vukmanović Tempo, Ivo Lola Ribar, Sreten Žujović và Ivan Milutinovic thông qua. Các thành viên của Ủy ban trung ương KPJ đã tỏa về các đơn vị để chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Trong lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, đây là cuộc khởi nghĩa lớn có tổ chức đầu tiên nổ ra trong vùng quân phát xít chiếm đóng ở châu Âu.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_nhân_dân_giải_phóng_Nam_Tư http://www.bmlv.gv.at/omz/ausgaben/artikel.php?id=... http://www.novosarajevo.ba/stream/press/index.php?... http://www.radiosarajevo.ba/novost/68603/dan-repub... http://komunisti.50webs.com/centartito21.html http://macedonia-history.blogspot.com/2006/10/1941... http://www.feldgrau.com/stats.html http://books.google.com/books?id=R8d2409V9tEC&pg=P... http://books.google.com/books?id=da6acnbbEpAC&lpg=... http://www.imdb.com/title/tt0085713/ http://www.ingentaconnect.com/content/routledg/rmi...